Quân đội Việt Nam Cộng hòa Thái_Quang_Hoàng

Quan lộ thăng tiến

Sau khi âm mưu đảo chính bất thành, tướng Hinh buộc phải rời bỏ chức vụ và phải sang Pháp, ông được Thủ tướng Diệm triệu hồi về và ra lệnh giải tán chiến khu Đông để về giữ chức vụ Tỉnh trưởng Ninh Thuận. Đầu năm 1955 ông được bổ nhiệm chức vụ Tỉnh trưởng Bình Thuận thay thế ông Lưu Bá Châm. Tháng 10 năm 1955, Thủ tướng Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và giữ vai trò Quốc trưởng, ông được thăng cấp Trung tá bàn giao tỉnh Bình Thuận lại cho Trung tá Phan Xuân Nhuận để đi du học lớp Tham mưu trưởng tại Trường Tham mưu Paris ở Pháp.

Đầu năm 1956 mãn khóa học về nước, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Đệ Tứ Quân khu Nam Cao nguyên thay thế Đại tá Linh Quang Viên. Giữa năm ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm. Ngày 1 tháng 9 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Đệ Nhị Quân khu Trung Việt. Ngày 10 tháng 12 cuối năm ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.

Ngày 1 tháng 6 năm 1957 ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I tân lập. Trung tuần tháng 10 cùng năm, ông được lệnh bàn giao Quân đoàn I lại cho Trung tướng Trần Văn Đôn để về Bộ Tổng tham mưu chờ nhận nhiệm vụ mới. Tháng 8 năm 1958 ông được cử đi tu nghiệp lớp tham mưu cao cấp (khóa 1958-2) ở Đại học Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Hoa Kỳ.[6] Đầu năm 1959 về nước, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn III tân lập. Giữa tháng 4 cùng năm kiêm Tư lệnh Quân khu Thủ đô thay thế Trung tướng Dương Văn Minh được cử làm Tổng Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng. Tháng 10 cùng năm bàn giao Quân đoàn III cho Trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ, chỉ còn đảm trách Quân khu Thủ đô.

Bị thất sủng

Ngày 11 tháng 11 năm 1960, cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Ngô Đình Diệm do Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông[7] cầm đầu đã nổ ra. Quân đảo chính lợi dụng bất ngờ đã chiếm giữ được một số vị trí quan trọng, kiểm soát được Quân khu Thủ đô và bao vây Dinh Độc Lập. Ông bị các chỉ huy đảo chính bắt giữ và đưa về Bộ Tổng Tham mưu quản thúc trong căn nhà dùng làm Trung tâm Hành quân của cuộc đảo chánh.

Tuy nhiên, cuộc đảo chính nhanh chóng bất thành. Nhóm sĩ quan chỉ huy đảo chính đã cướp máy bay, ép Đại úy phi công Phan Phụng Tiên lái máy bay để đào thoát sang Campuchia. Họ cũng đã bắt ông theo để làm con tin.[3] Sau khi sang đến Campuchia, ông được thả và được phép trở về Việt Nam.[8] Tuy nhiên, Tổng thống Diệm đã thất vọng và cáo buộc ông không đủ năng lực để phản ứng với cuộc đảo chính. Vì thế, tháng 11 năm 1961 đã điều chuyển ông sang giữ chức vụ Chỉ huy trưởng trường Đại học Quân sự kiêm Quân trấn trưởng Đà Lạt thay thế Trung tướng Trần Văn Minh sau khi bàn giao Biệt khu Thủ đô[9] lại cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Là. Đây là một chức vụ hữu danh vô thực và không thực quyền cầm quân.

Từ sau sự việc này, ông trở nên an phận và không tham gia bất kỳ ý định chính trị nào. Chính vì thế, khi các tướng lĩnh thực hiện cuộc đảo chính 1963, ông đã không giữ bất cứ vai trò nào. Tuy vậy, khi tướng Nguyễn Khánh thực hiện cuộc Chỉnh lý, để loại bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của các "tướng già", ông đã được tướng Khánh điều vào chức vụ Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Thái Lan từ tháng 11 năm 1963 sau khi bàn giao trường Đại học Quân sự lại cho Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm. Tuy nhiên, đến tháng 12 năm 1964, ông lại được triệu hồi về để "ngồi chơi xơi nước". Người hùng của cuộc đảo chính năm 1963, tướng Dương Văn Minh, sang Thái Lan thay chức vụ của ông. Tháng 8 năm 1965, ông nhận được quyết định giải ngũ khi mới 45 tuổi.

Vĩ thanh

Năm 1967 ông tham gia liên danh với các cựu tướng lĩnh như Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Huỳnh Văn Cao, Nguyễn Văn Chuân, Lê Văn Nghiêm, Tôn Thất Xứng... ra tranh cử Thượng viện. Tuy nhiên ông bị thất cử. Từ đó ông sống thầm lặng.